Tour nội địa: 0373826899
Tour quốc tế: 0869092268
Mù Cang Chải là một thị trấn thuộc tỉnh Yên Bái, nằm ngay dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cách Hà Nội khoảng 300km về hướng Tây Bắc. Đây là địa điểm đến của những ai yêu thích cái đẹp của thiên nhiên, thưởng ngoạn những nét đẹp của mảnh đất vùng cao và đem đến nhiều giá trị cho những ai thích khám phá, tìm hiểu về văn hóa đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn giữa hai sườn núi với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ. Nơi đây có tổng số dân là hơn 57 nghìn người sinh sống. Chiếm 90% dân số toàn thị trấn là dân tộc Mông còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Họ cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700 mét. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc địa phương, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số vùng cao. Đến nơi đây, du khách có thể vào thăm các bản làng dân tộc Mông, khám phá nét văn hóa cũng như những phong tục tập quán nơi vùng cao Tây Bắc với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc và sản vật nổi tiếng.
Một trong những nét độc đáo của nhà sàn người H'mông là làm bằng gỗ nhưng lợp tranh, riêng ở huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái lại có nét độc đáo riêng biệt là toàn bộ nhà được làm bằng gỗ pơmu. Nhà hầu như không có cửa sổ, chỉ có 2 cửa là cửa chính và cửa phụ dành cho phụ nữ. Điểm độc đáo này cho thấy sự thích ứng của người H'mông ở vùng thời tiết lạnh. Ngày nay nhà ở của đồng bào dân tộc Hmông đã có những thay đổi tân tiến hơn, tuy nhiên, khung nhà vẫn giữ nguyên, còn mái thì chủ yếu lợp prôximăng, vẫn dùng cột gỗ nhưng theo hướng hiện đại hơn là cột vuông, kiểu cột chồng. Bản làng giờ đã có điện nên các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ hơn, nếp sinh hoạt trong gia đình cũng giống người Kinh. Trong nhà, người H'mông vẫn giữ được 2 bếp là bếp lò và bếp kiềng.
Người Mông ở Mù Cang Chải có tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc, ngoài thờ cúng tổ tiên, trong phạm vi ngôi nhà đồng bào còn thờ cả một hệ thống các thần bảo hộ gia đình, bảo vệ cho các thành viên trong nhà và của cải vật chất theo các quan niệm dân gian như thờ thần tài (xử cang - bàn thờ đặt chính giữa gian nhà chính), thần cột nhà “Bùa đăngz”, thần cửa “Bùa trùngz”, thần bếp lò, thần bếp nấu ăn, thần bảo hộ thầy thuốc (của giêng các gia đình có nghề bốc thuốc nam), thần bảo hộ cho thầy cúng… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông đặc biệt quan trọng và khác so với một số dân tộc thiểu số khác, đồng bào không có bàn thờ tổ tiên riêng mà mỗi khi có lễ cúng tổ tiên hay trong các dịp hệ trọng của gia đình người dân lập một bàn thờ cúng tổ tiên tại chính giữa ngôi nhà trước bàn thờ thần tài “xử cang”, sau lễ cúng bàn thờ tổ tiên được bỏ đi. Lễ tang của người Mông nhiều nghi lễ, phong tục tập quán khác nhau, phản ánh các quan niệm về lịch sử, xã hội, cộng đồng. Người Mông quan niệm mỗi con người có 3 vía (Plỳ) và 7 hồn (chua lua) (Cầu chua lua - Pê lỳ), hồn chỉ tồn tại khi con người còn sống, còn sau khi chết không còn hồn nữa. Tuy nhiên vía theo quan niệm của người dân vẫn tồn tại: một vía đi lên công quản (lên trời), một vía đi đầu thai thành người mới ở một nơi xa còn một vía sẽ ở quanh quẩn bên người chết và thỉnh thoảng về với gia đình khi có việc hệ trọng.
Người Mông nói chung và người Mông ở Mù Cang Chải nói riêng có kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú, vào mùa xuân, các dịp tết Mông (Khoảng từ 30/11 âm lịch) hay trong các lễ cưới truyền thống người Mông đều hát dân ca và múa khèn. Trong các làn điệu dân ca, đặc biệt nhất là loại hát kể chuyện lịch sử dân tộc gọi là hát “Thản chù”. Người Mông có hát “Gầu Phềnh” - trai gái hát trong khi chơi Pa Pao, hát qua sợi chỉ nối với hai ống nứa bịt da ếch cho riêng hai người. Trong đám cưới còn có hát đố, hát giải. Cùng với hát, người Mông còn có múa khèn rất đặc sắc. Trong hội “Gầu Tào”, múa khèn là nghi lễ mở hội. Ngoài khèn bè, người Mông còn sử dụng đàn môi, khèn lá, kéo nhị, thổi sáo… Đặc biệt đến với Mù Cang Chải vào tháng 9, 10 dương lịch, du khách sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Lễ hội nằm trong Tuần văn hóa – Du lịch Mường Lò. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn được tổ chức hàng năm tại Yên Bái. Mỗi dịp khai hội, hàng nghìn người đổ về, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt. Cả Mù Cang Chải nhộn nhịp tiếng nói cười vang vọng, tràn đầy nhiệt huyết.
Đến với Mù Cang Chải, du khách không chỉ choáng ngợp với những thửa ruộng bậc thang vàng óng giữa núi rừng hùng vĩ, với cảnh đẹp mê đắm lòng người mà còn bị mê hoặc bởi các món ăn đặc sắc mang hương vị quyến rũ của núi rừng Tây Bắc. Nói đến ẩm thực Mù Cang Chải không chỉ thu hút bởi nguyên liệu tự nhiên của núi rừng mà còn bởi cách chế biến và công thức đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Xôi nếp Tú Lệ Chỉ khi đến Mù Cang Cải, du khách mới có cơ hội nếm thử món xôi nếp Tú Lệ được ngâm và đồ bởi dòng nước từ con suối đầu nguồn trên đỉnh Khau Phạ. Món ăn gắn với truyền thuyết của một nàng tiên nữ đã mang những mầm giống hạt nếp thơm xuống những cánh đồng nơi đây. Bên cạnh đó, bạn không thể bỏ qua xôi ngũ sắc, món ăn độc đáo mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp đối với con người Tây Bắc.
Thịt lợn kẹp cây rừng nướng ở Mù Cang Chải gây hấp dẫn bởi sự kết hợp hòa quyện của các loại gia vị núi rừng riêng biệt như mắc kén, hành tươi... Những con lợn dùng để chế biến món ăn này được thả tự do nên đây là lý do khiến phần thịt béo ngậy và thơm hơn so với các loại thông thường. Sau khi tẩm ướp gia vị xong, thịt đem cuộn với lá dong tươi, kẹp tre rồi đem nướng trên than hoa.
Là một trong những món ăn phổ biến và đặc trưng nhất của người Mông được chế biến từ ngô và trải qua nhiều công đoạn để trở thành một món ăn ngon mang hương vị đặc trưng của vùng cao. Không phải món cao lương mỹ vị nhưng mèn mén lại khiến nhiều người khó quên khi nếm thử một lần. Do là món ăn khô nên mèn mén thường được ăn với một số món canh như rau bí đỏ, rau cải, canh xương, nước thắng cố... hoặc món mèn mén còn trộn cơm được rất nhiều người Mông yêu thích vì vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm. Nếu lên Mù Cang Chải bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức một bát mèn mén để cảm nhận hương vị Tây Bắc nhé.